GIỚI THIỆU CHUNG
Ninh Xuân là một xã nằm cách trung tâm thị xã Ninh Hòa 5 km về phía Tây. Phía Đông giáp xã Ninh Phụng, phía Tây giáp xã Ninh Sim, phía Nam giáp xã Ninh Bình, phía Bắc giáp xã Ninh Thân, Ninh Thượng. Diện tích tự nhiên 5.925 ha, trong đó đất nông nghiệp là 5034 ha, đất phi nông nghiệp là 758 ha, đất chưa sử dụng là 131ha. Xã có chiều dài hơn 8 km, chiều rộng hơn 7 km.

Năm 1653, khi mở rộng bờ cõi nước Việt Nam đến bờ Bắc sông Phan Rang, để cai quản vùng đất mới này, chúa Nguyễn Phúc Tần cho lập hai phủ: Phủ Thái Khang và phủ Diên Ninh. Phủ Thái Khang ở phía Bắc quản lý, trông coi hai huyện: Tân Định (Ninh Hòa ngày nay) và Quảng Phước (Vạn Ninh ngày nay). Năm 1690, phủ Thái Khang đổi thành phủ Bình Khang. Năm 1744 lập Dinh Bình Khang để thống quản hai phủ Bình Khang và Diên Khánh. Đến năm 1803, Phủ Bình Khang đổi thành phủ Bình Hòa. Năm 1831, phủ Bình Hòa đổi thành phủ Ninh Hòa. Phủ Bình Hòa gồm hai huyện Tân Định và Quảng Phước. Năm 1910, vua Duy Tân bỏ huyện Quảng Phước giao lại cho phủ Ninh Hòa kiêm lý.
Huyện Tân Định có 3 tổng; Tổng Thân Thượng, Tổng Hiệp Trung, Tổng Ích Hạ. Năm 1931, thực dân Pháp sáp nhập huyện Tân Định và 3 tổng của huyện Quảng Phước thành phủ Ninh Hòa.
Cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII hưởng ứng chính sách khuyến khích việc khai hoang lập ấp của triều đình Nhà Nguyễn, người Kinh từ nhiều tỉnh miền Trung đến cư trú và khai phá đất đai trên địa bàn phủ Ninh Hòa ngày càng đông, công việc khai hoang lập làng được đẩy mạnh. Cư dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, sau này có thêm dân các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh do điều kiện sinh sống tại quê hương gặp khó khăn; họ bị bọn cường hào địa phương áp bức, bóc lột tàn nhẫn không thể sống yên ổn, thêm nữa lại do thiên tai, mất mùa, dịch bệnh nên họ tha phương tìm đến vùng đất Ninh Xuân để khai hoang, lập nghiệp. Họ đến nơi đây với hai bàn tay trắng, dụng cụ lao động thô sơ ngoài cuốc, xẻng, rìu, rựa, không có một dụng cụ nào khác nên phải dựa vào thiên nhiên để cải thiện đời sống. Dòng sông Cái có nhiều tôm cá, rừng có nhiều loại động vật, tạo nguồn thực phẩm dồi dào nên nhân dân đã chọn 2 bên bờ sông Cái làm nơi cư ngụ đầu tiên và sau đó là dọc 2 bên quốc lộ. Lúc bấy giờ toàn xã chỉ có 7 cụm dân cư, mỗi cụm khoảng 4 - 10 hộ khoảng 100 khẩu. Tộc họ Nguyễn là người đầu tiên đến vỡ đất lập làng ở Phước Lâm, hậu duệ của tộc họ Nguyễn ngày nay còn nhắc đến các tên như ông Chánh Ban Nguyến Tấn Quý, Nguyễn Tấn Thơ, Nguyễn Tấn Ngự…
Thời nhà Nguyễn, hệ thống hành chính gồm có: làng, tổng, phủ, tỉnh. Vùng đất Ninh Xuân do mới khai phá tạo lập, dân cư còn thưa thớt, nên nhà Nguyễn chỉ thành lập bộ máy hành chính gồm 07 làng, có 07 bộ máy ngũ hương, đứng đầu mỗi làng là lý trưởng - thuộc tổng Thân Thượng, phủ Ninh Hoà. Năm 1858 thực dân Pháp xâm lược nước ta, khi đặt ách thống trị, chúng vẫn giữ nguyên đơn vị hành chính ấy để cai trị.
Tháng 8 năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân xã Ninh Xuân, cùng nhân dân cả nước khởi nghĩa cách mạng Tháng Tám thành công; thành lập chính quyền cách mạng. Tuy nhiên, thời gian hòa bình để xây dựng quê hương chưa được bao lâu thì một lần nữa thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai. Ngày 27/01/1946 quân đội Pháp từ Buôn Mê Thuột tiến công xuống đánh chiếm Ninh Hòa. Từ đó xã Ninh xuân và các xã trong huyện cùng chung số phận bị thực dân đàn áp.
Khi giặc Pháp trở lại xâm lược, nhân dân cả nước đã hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Với truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm, nhân dân Ninh Xuân đã đoàn kết một lòng đứng lên chiến đấu với thực dân Pháp với ý chí quyết chiến, quyết thắng.
Trước cách mạng Tháng Tám năm 1945, Ninh Xuân có 7 làng thuộc tổng Thân Thượng phủ Ninh Hòa.
Năm 1946 các làng xã Ninh Xuân thuộc đơn vị hành chính xã Tây Sơn. Đầu năm 1948 xã Tây Sơn xáp nhập với xã Việt Tiến lấy tên là xã Tây Sơn. Đến năm 1949 xã Tây Sơn xáp nhập với xã Tân Hương thành lập xã Hòa Trí. Sau năm 1954, tỉnh Khánh Hòa thuộc sự quản lý của chính quyền Sài Gòn, hệ thống hành chính được thay đổi, điều chỉnh, các làng ít dân cư được sáp nhập lại.
Năm 1956, chính quyền Ngô Đình Diệm thành lập xã Ninh Xuân trên cơ sở xáp nhập một số thôn Tân Xuân, Tân Trúc, Dục Mỹ xáp nhập thành thôn Tân Mỹ; Ngũ Mỹ, Tương Lạc sáp nhập lại thành thôn Ngũ Mỹ. Xã Ninh Xuân gồm có 5 thôn: Phước Lâm, Vân Thạch, Ngũ Mỹ, Tân Mỹ, Tân Khánh.
Năm 1958 tách thôn Tân Khánh sáp nhập đơn vị hành chính xã Ninh Sim. Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, xã Ninh Xuân gồm có 4 thôn Vân Thạch, Phước Lâm, Ngũ Mỹ, Tân Mỹ. Năm 1994, thành lập thêm thôn Tân Phong, năm 2003 thành lập thêm thôn Tân Sơn.
Hiện nay xã có 06 đơn vị hành chính thôn gồm có: Vân Thạch, Phước Lâm, Ngũ Mỹ, Tân Mỹ,Tân Phong và Tân Sơn, toàn xã có 2800 hộ với trên 12.000 nhân khẩu. Trên địa bàn xã chủ yếu là dân tộc kinh chỉ có 02 hộ dân tộc Êđê. Thôn Vân Thạch có 441 hộ với 2056 khẩu, Thôn Tân Mỹ có 791hộ với 3164 khẩu Thôn Phước Lâm có 790 hộ với 3144 khẩu, Thôn Tân Phong có 262 hộ với 1258 khẩu, Thôn Tân Sơn có 264 hộ với 1056 khẩu.
Nhân dân trong xã 80% số hộ sống chủ yếu bằng Nông nghiệp (trồng cây Lúa, Mía); 20% sống bằng nghề tiểu thủ công nghiệp (sản xuất Gạch, Ngói) và dịch vụ ăn uống, giải khát. Đến nay có 06/06 thôn được công nhận danh hiệu thôn văn hóa, danh hiệu GĐVH đạt tỉ lệ 94%.